Tinh dầu là gì? Tất cả những điều bạn cần biết về tinh dầu thiên nhiên!
Tinh dầu hay nói chính xác là tinh dầu thiên nhiên có rất nhiều loại khác nhau. Bạn không biết hiện nay trên thế giới có các loại tinh dầu nào? Tác dụng của chúng với sức khỏe và đời sống thế nào? Nếu bạn không phải chuyên gia về lĩnh vực này thì cũng là bình thường thôi.
Trong bài viết này hãy cùng Senshop tìm hiểu về tinh dầu thiên nhiên, cũng như những lợi ích mà tinh dầu mang lại cho sức khỏe cũng như đời sống hàng ngày!
Nội dung chính
Tinh dầu là gì?
Tinh dầu hay tinh dầu thiên nhiên là một loại chất lỏng có chứa các hợp chất thơm có tính dễ bay hơi được chiết xuất từ các bộ phận của thực vật. Hầu như mọi bộ phận của thực vật đều có thể chiết xuất được tinh dầu, phổ biến nhất là: Hoa, lá, vỏ cây, vỏ quả, thân cây, rễ… Với lịch sử phát triển hàng ngàn năm, tinh dầu được coi là báu vật của thiên nhiên ban tặng cho con người!
Đại đa số tinh dầu đều trong suốt, tức là không có màu. Tuy nhiên một số loại tinh dầu lại có màu hổ phách, màu vàng như: Tinh dầu sả chanh, tinh dầu hoắc hương, tinh dầu cam ngọt…
Tinh dầu thiên nhiên có một đặc điểm rất nổi bật: Nó có thể dễ dàng thay đổi từ trạng thái lỏng (hoặc rắn) sang trạng thái khí, kể cả khi ở nhiệt độ phòng. Chính vì vậy mà khi bạn mở nắp đựng sẽ có hương thơm đặc trưng bay vào mũi!
Các loại tinh dầu thiên nhiên phổ biến
Dưới đây là các loại tinh dầu thiên nhiên được dùng phổ biến nhất hiện nay:
- Hoa oải hương: Thích hợp cho việc thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng. Giúp giảm vết bầm tím, vết rạn trên da
- Tràm: Tác dụng tốt trong việc điều trị các bệnh đường hô hấp
- Tràm trà: Rất nổi tiếng trong việc trị mụn
- Trầm hương: Giảm căng thẳng, tăng cường khả năng miễn dịch, tốt cho bệnh hen, viêm phế quản, ho
- Chanh: Được ứng dụng rất nhiều, nó chủ yếu giúp làm sạch, khử mùi, diệt khuẩn
- Sả: Khử mùi, xua đuổi côn trùng, rất thích hợp để đuổi muỗi
- Bưởi: Rất nổi tiếng với công dụng chăm sóc tóc
- Bạc hà: Giúp chữa đau bụng, buồn nôn đồng thời cũng rất hiệu quả với chứng đau đầu, chăm sóc sức khỏe răng miệng
- Hoa anh thảo: Tốt cho việc trị mụn đặc biệt là mụn do nội tiết, ngoài ra còn giúp cân bằng nội tiết tố của phụ nữ
- Quế: Có tính nóng ấm nên thường được dùng để trị cảm lạnh, hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra còn giúp giảm căng thẳng, giảm đau nhức cơ xương khớp
Cách sử dụng tinh dầu
Có rất nhiều cách để sử dụng tinh dầu, mình tổng hợp và phân chia thành 6 cách sau:
1. Sử dụng trên da
Tinh dầu là những chất béo hòa tan, nên nó được hấp thụ ngay khi thoa lên da. Nhưng bạn cần lưu ý rằng: Không nên sử dụng trực tiếp tinh dầu trên da khi chưa pha loãng. Đặc biệt khi bạn có làn da nhạy cảm, việc pha loãng là rất cần thiết!
Các vị trí hay được dùng để thoa tinh dầu là: Cổ tay, phía sau tai, bàn chân hoặc kết hợp với một số nguyên liệu để thoa trực tiếp lên mặt.
2. Hít vào
Có thể nói đây là cách đơn giản nhất nhưng việc thực hiện nó lại không hề dễ chút nào! Bạn không tin ư?
Cách thực hiện như sau: Mở nắp chai tinh dầu, ghé sát vào mũi hoặc cho vài giọt lên khăn giấy. Hít một hơi thật sâu và thưởng thức! Cái khó nhất ở đây là hít như nào cho đúng cách và hiệu quả? Bạn cần hít vào sâu, hít chậm thả lỏng tâm lý thậm chí có thể nhắm mắt để tận hưởng!
Nếu bạn chưa biết cách hít thở sâu hay thở kiểu bụng thì nên tìm hiểu và tập dần đi. Nó rất tốt cho sức khỏe đó!
3. Xông hơi
Đun sôi khoảng 1 lít nước, đổ vào một chiếc bát tô rộng rồi nhỏ vào đó 2-5 giọt tinh dầu. Đặt mũi cách bát khoảng 30 cm, trùm lên đầu một chiếc khăn và từ từ hít vào luồng hơi nước. Sau đó thì thư giãn đi nào!
Cách này không những giúp bạn thư giản thoải mái đầu óc mà còn giúp chăm sóc làn da mặt của bạn.
Trên thực tế đây là cách hiệu quả và an toàn nhất trong việc điều trị cảm cúm, cảm lạnh. Trong quá trình xông hơi bạn sẽ thấy nước nguội dần đi, nếu bạn thích xông tiếp hãy thêm nước nóng và tinh dầu vào.
4. Sử dụng máy khuếch tán hoặc đèn xông tinh dầu
Cách này vừa giúp làm thơm phòng vừa giúp xua đuổi côn trùng như muỗi. Lại rất thích hợp cho bạn nào muốn có một không gian thư giãn tốt, dễ ngủ!
Ngoài ra chiếc đèn xông tinh dầu hay máy khuếch tán tinh dầu còn đóng vai trò là một vật trang trí rất đẹp.
5. Sử dụng trong bồn tắm
Đây thực sự là cách tuyệt vời để tận hưởng cuộc sống. Còn gì tuyệt hơn khi sau một ngày làm việc mệt mỏi bạn được ngâm mình trong bồn tắm nước ấm với hương tinh dầu hoa hồng!
6. Massage
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy massage trị liệu kết hợp với tinh dầu cho kết quả rất tốt cho việc giảm căng thẳng, giảm mệt mỏi, giảm đau cơ – xương – khớp…
Khi sử dụng tinh dầu để massage, cần lưu ý: Không được tự ý massage cho người đang mắc các chứng: sốt, viêm da cấp tính, phỏng, phát ban, mụn mủ, chảy máu, thâm tím da, giãn tĩnh mạch, gãy xương, nhiễm trùng… Không sử dụng tinh dầu nguyên chất để massage, mà phải pha trộn với dầu thực vật hoặc sữa dưỡng thể. Tỷ lệ pha trộn tùy thuộc vào mục đích và loại tinh dầu.
Tác dụng của tinh dầu với sức khỏe
Dưới đây là những tác dụng của tinh dầu với sức khỏe đã được chứng minh tính hiệu quả:
Làm đẹp
Rất nhiều các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp mà chị em yêu thích được chiết xuất, xử lý và chế biến từ tinh dầu. Rõ ràng, việc sử dụng tinh dầu tự nhiên sẽ tốt hơn các sản phẩm có chứa nhiều hóa chất nhân tạo. Một vài giọt tinh dầu hoa lài sẽ giúp bạn xua tan căng thẳng và làm da mượt mà hơn. Hoặc có thể cho thêm tinh một chút dầu bạc hà vào dầu gội đầu hoặc dầu xả khi gội đầu sẽ giúp da đầu khỏe hơn.
Giúp dễ ngủ
Việc thường xuyên khó ngủ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần cũng như sự ổn định của cảm xúc. Để cải thiện chất lượng của giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn, hãy mát xa tinh dầu ở vùng thái dương, tay và chân hoặc cho tinh dầu tỏa hương trong phòng khách trước giờ đi ngủ. Tinh dầu hoa cúc, oải hương, dầu cam và hoa hồng là những lựa chọn tuyệt vời nhất.
Trị đau đầu
Một mẹo tuyệt vời khác để dùng tinh dầu là trị đau đầu. Dầu bạc hà có tác dụng rất tốt không chỉ trong việc giảm đau đầu mà còn chứng buồn nôn, say tàu xe, cảm lạnh và bong gân. Hãy trộn tinh dầu bạc hà với dung môi dầu rồi xoa lên trán, thái dương, cổ để thư giãn và giảm đau hiệu quả.
Tăng cường khả năng bảo vệ
Ngửi tinh dầu thường xuyên là cách giúp tăng cường thêm khả năng phòng vệ cho cơ thể, bên cạnh việc rửa tay và ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Tinh dầu của hoa oải hương, khuynh diệp hay trà thường được cho vào máy khuếch tán tinh dầu để lọc sạch không khí đồng thời tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh.
Nếu không có máy khuếch tán, bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu vào chiếc khăn tay và ngửi chúng thường xuyên.
Tạo không gian thư thái, dễ chịu
Tinh dầu còn có một công dụng ít được biết đến là sử dụng thay nước hoa xịt phòng và làm thơm vải vóc. Nếu bạn muốn căn phòng và chăn đệm có mùi hương dễ chịu, tạo không gian thư thái, hãy trộn vài giọt tinh dầu hoa oải hương với nước, rồi sử dụng bình xịt cho khắp phòng.
Xua đuổi côn trùng
Từ nhiều thế kỷ qua, tinh dầu đã được sử dụng như là một cách an toàn và hiệu quả để xua đuổi côn trùng, sâu bọ. Tinh dầu bạc hà, cỏ xạ hương, sả và cỏ chanh sẽ khiến những loại côn trùng như gián, kiến… bỏ chạy.
Ngoài ra, bạn có thể dùng dầu hạnh nhân hay dầu ôliu để thoa lên da khi đi dã ngoại hay cắm trại ngoài trời. Chúng sẽ giúp hạn chế bị côn trùng cắn.
Cách chọn tinh dầu phù hợp
Nhiều công ty tuyên bố rằng dầu của họ là “nguyên chất”. Tuy nhiên, thuật ngữ này không được định nghĩa phổ biến và do đó nó cũng khá mơ hồ.
Có thể nói rằng đây là một ngành công nghiệp không được kiểm soát, chất lượng và thành phần của tinh dầu có thể khác nhau rất nhiều.
Hãy ghi nhớ những lời khuyên sau để chỉ chọn được các loại dầu chất lượng cao:
- Độ tinh khiết: Tìm một loại dầu chỉ chứa các hợp chất thực vật thơm, không có chất phụ gia hoặc dầu tổng hợp. Các loại dầu nguyên chất thường liệt kê tên thực vật của cây (như Lavandula officinalis ), thay vì các thuật ngữ như “tinh dầu oải hương”.
- Chất lượng: Tinh dầu thực sự là những loại đã được thay đổi ít nhất bởi quá trình chiết xuất. Chọn một loại tinh dầu không có hóa chất đã được chiết xuất thông qua chưng cất hoặc ép lạnh cơ học.
- Danh tiếng: Mua một thương hiệu có uy tín để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.
An toàn và tác dụng phụ
Chỉ vì một cái gì đó là tự nhiên không có nghĩa là nó an toàn. Thực vật và các sản phẩm thảo dược có chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, có thể gây hại cho sức khỏe của bạn trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, khi hít hoặc kết hợp với dầu nền để sử dụng trên da của bạn, hầu hết các loại tinh dầu được coi là an toàn.
Dù vậy, chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ:
- Phát ban
- Hen suyễn
- Nhức đầu
- Phản ứng dị ứng
Mặc dù tác dụng phụ phổ biến nhất là phát ban, tinh dầu có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng hơn và chúng có liên quan đến một trường hợp tử vong.
Các loại dầu thường có các phản ứng bất lợi là hoa oải hương, bạc hà, cây trà và ylang-ylang. Dầu có nhiều phenol, chẳng hạn như quế, có thể gây kích ứng da và không nên sử dụng trên da mà không được kết hợp với dầu nền.
Ăn tinh dầu không được khuyến khích, vì nó có thể có hại và có thể gây tử vong khi dùng đủ liều.
Rất ít nghiên cứu đã kiểm tra sự an toàn của các loại dầu này đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Chính vì vậy bạn cần tránh sử dụng khi ở trong trường hợp này hoặc tìm lời khuyên của bác sĩ.
Nhắc nhở
- Tinh dầu thường được coi là an toàn để hít hoặc thoa lên da, miễn là chúng được kết hợp với dầu nền. Bạn không nên ăn hoặc uống chúng.
- Đối với các vấn đề sức khỏe nhỏ, sử dụng tinh dầu như một liệu pháp bổ sung có lẽ là ổn.
- Nhưng nếu bạn có một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc đang dùng thuốc, bạn nên thảo luận về việc sử dụng chúng với bác sĩ của bạn.
Trên đây là những thông tin hữu ích về tinh dầu thiên nhiên cũng như công dụng của chúng về sức khỏe.
Chúc các bạn thành công!